Chăm sóc cá Koi hàng ngày – Không ai có thể phủ nhận tính thẩm mỹ mà hồ cá Koi mang lại cho sân vườn. Thế nhưng màu sắc của Koi một phần là tự nhiên, một phần lại phụ thuộc vào cách nuôi dưỡng. Vậy có bao nhiêu bạn tự tin rằng cách chăm sóc cá Koi của mình là đúng kỹ thuật ?
Nội dung chính:
- 1 Nguồn gốc cá koi
- 2 Đặc điểm của các giống cá koi
- 3 Kỹ thuật nuôi cá koi mau lớn, khỏe mạnh, không bị chết
- 4 Bệnh tật khi nuôi cá koi: nguyên nhân và cách phòng tránh
- 5 Nuôi cá koi ngoài trời khi trời mưa thì xử lý như thế nào?
- 6 Kinh nghiệm chăm sóc cá koi vào mùa hè, thời tiết nóng bức
- 7 Tổng kết về kỹ thuật nuôi cá koi
Nguồn gốc cá koi
Khi nhắc đến cá koi hay cá chép koi, người ta sẽ nghĩ ngay đến đất nước Nhật Bản. Loài cá này được mệnh danh là quốc ngư của đất nước mặt trời mọc. Theo một số tài liệu khoa học, cá koi xuất hiện từ những năm 1820 tại thị trấn Ojiya, tỉnh Niigata, Nhật Bản.
Ban đầu, loại cá này được nuôi để cung cấp thực phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, người nuôi nhận thấy loại cá này có màu sắc rất đẹp và khả năng biến đổi màu sắc trên thân rất độc đáo. Vì thế, người Nhật đã quyết định nhân giống và lai tạo ra nhiều giống cá với các màu sắc khác nhau để nuôi làm cá cảnh trong các bể cá, hồ cá sân vườn… Tên gọi lúc này của chúng là “Nishikigoi”, dịch ra tiếng Việt nghĩa là cá chép nhiều màu sắc.
Đến thế kỷ 19, cái tên “cá koi” mới chính thức được công nhận. Từ KOI theo tiếng Nhật có nghĩa là cá chép, nên người ta cũng có thể gọi đây là cá chép Nhật. Từ đây, cá koi bắt đầu phổ biến và được mua bán, nhân giống rộng rãi.
Đặc điểm của các giống cá koi
Về cơ bản, cá koi có quan hệ họ hàng gần với cá vàng. Hiện nay, cá koi đã được nhân giống với cả trăm loài khác nhau. Tuy nhiên, có khoảng 24 giống được ghi nhận, mỗi loại có những đặc điểm nhận dạng và màu sắc khác nhau. Nhưng về cơ bản, cá koi nói chung sẽ có những đặc điểm sau:
– Tuổi thọ trung bình 25 – 35 năm. Cá biệt, nếu được nuôi dưỡng trong môi trường thuận lợi thì cá koi có thể sống đến vài trăm năm.
– Cá koi phát triển liên tục và độ tăng trưởng là 50 – 150mm mỗi năm tùy theo giống. Cá trưởng thành có độ dài tối đa đến 1m.
– Phân biệt giới tính của cá koi qua hình dáng thân. Cá koi đực thường có thân mình thon dài, hai vây trước và nắp mang có nhiều nốt sần màu trắng. Còn cá koi cái sẽ có thân hình to tròn, phần bụng nở nang hơn (đặc biệt là khi có chửa).
– Tập tính sinh sản của cá koi. Khi đã quen với môi trường sống thì cá koi bắt đầu đẻ trứng sau khoảng 1 năm nuôi. Cá koi cái từ 2-3 năm tuổi có thể đẻ từ 150.000 – 200.000 trứng mỗi lứa.
Kỹ thuật nuôi cá koi mau lớn, khỏe mạnh, không bị chết
Cá koi là loại cá có giá trị cao, tính thẩm mỹ đẹp. Vì vậy, bất kì ai cũng đều mong muốn chúng thật khỏe mạnh, mau lớn và không mắc bệnh hoặc nguy hiểm hơn là bị chết. Để có thể nuôi cá koi có được màu sắc và sức khỏe như ý muốn thì cần những kỹ thuật chăm sóc đặc biệt hơn những loài cá cảnh khác. Người chơi sẽ cần tìm hiểu rất kĩ những thông tin và nhiều kiến thức khác nhau.
Chọn giống nuôi cá koi
Giống cá koi khỏe mạnh sẽ quyết định đến 50% tỉ lệ sống sót và phát triển ổn định sau này. Nên chọn mua cá ở những cơ sở uy tín, trại giống có giấy kiểm định, xuất xứ rõ ràng, đúng chủng loại và có bảo hành.
Giống cá koi Nhật chọn mua cần có những đặc điểm:
– Về hình dáng:
+ Cơ thể cân đối, mịn màng, thân hình thuôn dài.
+ Đầu hơi gật gù, miệng dày, râu dài và cứng
+ Vây lưng, vây ngực, vây đuôi hài hòa. Vây dày và đục, ánh sáng không xuyên qua nhiều được.
– Màu sắc sáng, hoa văn rõ ràng, phân cách giữa các màu rõ nét
– Dáng bơi thẳng, bơi khỏe, mắt nhìn lanh lẹ và phản ứng nhanh
Không chọn mua những giống cá sau:
– Kích thước cá quá lớn, không phù hợp với bể hoặc hồ chứa. Thông thường với các kích thước hồ vừa và nhỏ thì nên chọn loại cá có chiều dài từ 10 – 20 cm. Các gia chủ mới chơi có thể chọn các kích thước cá nhỏ hơn để nuôi lấy kinh nghiệm.
– Cá có dị tật, bề mặt bị trầy xước
– Màu sắc mờ nhạt, xỉn màu, vây lưng, vây đuôi cụp
– Cá bơi chậm chạp hoặc chỉ nằm 1 chỗ
– Cá có mầm bệnh: đốm đỏ, thối vây lưng, lở loét…
Điều kiện hồ nuôi cá koi
Điều kiện hồ nuôi cá koi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, khả năng phát triển của loài cá này. Một hồ nuôi cá koi đạt chuẩn bao gồm rất nhiều yếu tố.
– Kích thước hồ: phù hợp với số lượng và kích thước loại cá koi sẽ nuôi. Không nên thiết kế thi công hồ cá koi quá nhỏ vì khả năng tăng trưởng của cá koi là liên tục.
– Mật độ nuôi cá koi: lý tưởng là 1 con/m3. Những loại cá koi mini có thể nuôi với mật độ dày hơn.
– Mực nước hồ nuôi: tối thiểu là 0.6m đối với những loại cá koi cỡ nhỏ và 0,8 – 1,2m đối với những chú cá koi cỡ lớn và không nên sâu quá 1,5m (trừ trường hợp đặc biệt).
– Chất lượng nước: đảm bảo phải luôn trong sạch, không có rong rêu và vi khuẩn gây bệnh.
+ Độ pH: 7 – 7,5
+ Nhiệt độ: 20 – 27 độ C
+ Hàm lượng Oxy: tối tiểu 2,5mg/l
Để đảm bảo chất lượng nước luôn ở ngưỡng lý tưởng thì cần thường xuyên kiểm tra định kỳ bằng các thiết bị, máy đo chuyên dụng. Ngoài ra, cần bố trí hệ thống lọc nước cho hồ nuôi cá koi một cách hiệu quả. Đặc biệt đối với hồ cá koi ngoài trời.
– Hệ sinh thái hồ cá: trong hồ có thể thả tảo, rong hoặc trồng cây thủy sinh khác như sen, súng. Tuy nhiên cần cân đối tỉ lệ để tránh việc cá bị thiếu oxy và ngạt thở.
– Tiểu cảnh hồ cá: nên kè hồ và xây bờ để tiện chăm sóc cá. Ngoài ra bố trí thêm các cây cảnh, bụi hoa đẹp mắt xung quanh hoặc một thác nước chảy để làm tăng tính thẩm mỹ và độc đáo.
Lưu ý xử lý hồ cá koi mới và thay nước khi nuôi cá koi
– Đối với hồ cá koi mới xây
Sau khi hoàn thiện thi công hồ cá koi, nên ngâm nước trong hồ từ 2 – 3 tuần trước khi thả cá mới. Đồng thời cần xả và thay nước vài lần để loại bỏ các chất độc, tạp chất. mầm bệnh và mùi mới. Có thể dùng hóa chất WUNMID với liều lượng 100g/ 200m3 nước để sát trùng và thanh lọc toàn bộ hồ nuôi.
– Thay nước cho hồ nuôi cá koi
Việc thay nước cho hồ nuôi cá koi phải diễn ra theo từng bước. Nước thay tháo dần dần và không tháo hết chỉ trong 1 đợt. Nguyên tắc thay nước là cứ 2 ngày thì giảm đi 1/3 thể tích nước trong hồ. Khi nước trong trở lại và đạt các chỉ số thiết yếu thì thôi. Nước thay cần phải được khử clo, lọc bằng than hoạt tính hoặc ngâm nước từ 2-3 ngày trước khi đưa vào hồ nuôi,
Đưa cá koi mới vào hồ nuôi
Quá trình vận chuyển cá koi về hồ nuôi cần phải rất cẩn thận, nhẹ nhàng và không làm cá bị trầy xước. Chú ý không vận chuyển cá với mật độ dày và nên có xục oxy trong quá trình di chuyển để cá khỏe mạnh.
– Đối với hồ cũ đã nuôi cá từ trước
Nếu như hồ cá koi đang nuôi có cá đang bị bệnh hoặc chứa mầm bệnh thì cần phải xử lý sạch nước hoàn toàn trước khi thả thêm cá mới vào. Đồng thời cá mới mua về cần có bể nuôi cách ly trong thời gian 14 ngày hoặc đến khi hồ chính sạch mần bệnh.
Bể nuôi cá mới cũng cần có hệ thống lọc và sục khí oxy. 1/2 nước trong bể riêng được lấy từ nước của hồ nuôi chung (nước sạch hoàn toàn) để khi thả cá vào bể chung không bị sốc nước. Pha hỗn hợp theo tỉ lệ: 5kg muối/1000 lít nước và 1g tetra/100 lít nước để diệt khuẩn, sát trùng cho cá koi. Duy trì đến khi đạt yêu cầu thì tiến hành thả cá mới vào hồ
– Đối với hồ mới chưa từng thả cá
Khi điều kiện nước trong hồ nuôi cá đã đạt yêu cầu thì có thể tiến hành các bước thả cá mới xuống. Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị bột số dụng cụ chứa đủ số lượng và kích thước cá mới mua để tiến hành “đánh thuốc cho cá”. Thuốc ở đây là thuốc gì? Mua thuốc này ở đâu?
Thuốc này là Tetracyclin và dễ dàng mua được ở những hiệu thuốc tây đạt chuẩn GPP. Bạn có thể mua dư số lượng cần thiết vì loại thuốc này khá hiệu quả cho trị bệnh ở cá sau này. Liều dùng cho việc đánh thuốc là 15 viên cho 100 lít nước. Bật sục oxy và đưa cá koi mới mua vào ngâm khoảng 1h. Hết khoảng thời gian trên thì bắt từng con cá thả xuống hồ nuôi. Không đổ tất cả cá xuống hồ nuôi mà nên bắt từng con và hạn chế nước ngâm thuốc rớt xuống hồ.
*Lưu ý:
– Nên thả cá vào buổi sáng hoặc chiều mát, tránh những lúc nắng gắt hoặc nhiệt độ cao, nóng bức.
– Cá mới mua thả xuống hồ thường nhảy ra ngoài, đặc biệt là ban đêm. Bạn có thể dùng lưới chắn che trên mặt hồ, đồng thời tắt hết các thiết bị chiếu sáng xung quanh trong khoảng 1 tuần. Khi cá đã quen với môi trường sống thì tiến hành nuôi cá bình thường.
Thức ăn nuôi cá koi
Cá koi Nhật là một loài ăn tạp nhưng cũng khá sành ăn. Thức ăn nuôi cá koi cần phải sạch sẽ và nên chú ý đến thành phần vitamin C để cá có sức đề kháng tốt. Trong mỗi gian đoạn phát triển, cá koi có thể ăn những loại khác nhau.
– Từ khi trứng nở đến 3 ngày tuổi, cá koi có thể tự nuôi dưỡng cơ thể bằng việc ăn noãn hoàn. Sau khi noãn hoàn tiêu hết, chúng có thể tự ăn các thức ăn như: bo bo, các sinh vật phù du hoặc lòng đỏ trứng chín.
– Cá koi sau 15 ngày tuổi sẽ chuyển qua ăn các động thực vật ở tầng đáy như giun, tảo, loăng quăng… Sự thay đổi tập tính ăn này làm tỉ lệ sống của cá con bị ảnh hưởng. Vì thế, để đảm bảo số lượng cũng như sức sống thì người nuôi cần chú ý cung cấp đủ thức ăn và tạo môi trường vi sinh vật tầng đáy phù hợp.
– Sau 1 tháng tuổi, cá koi đã có thể ăn các loại động vật nhỏ như giun, ốc, ấu trùng… giống như cá trưởng thành. Ngoài ra, cá còn có thể ăn cám, bã đậu, thóc lép và các thức ăn chế biến sẵn.
Trên thị trường hiện nay, các loại thức ăn cá koi chế biến sẵn có rất nhiều loại. chủ yếu chế biến từ gạo, bột mì, bột ngô và pha thêm các loại vitamin. Một số thương hiệu thức ăn dạng viên đóng gói sẵn, có xuất xứ rõ ràng được nhiều người nuôi ưa chuộng và biết đến như: Sakura, Minjiang, Aqua Master, Porpoise.
Cách cho ăn hiệu quả, tiết kiệm nhưng cá koi vẫn mau lớn
Để nuôi được cá koi mau lớn, phát triển tốt, khỏe mạnh thì cần hiểu rõ về tập tính ăn uống của loài cá này. Từ đó mới đưa ra được cách cho ăn phù hợp vừa có tính hiệu quả lại tiết kiệm tối đa chi phí.
Nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng mà bạn có thể sử dụng là:
– Nguồn thức ăn tự làm: đến từ các thực phẩm như: rau diếp, tôm (sò) đã chế biến, vụn bánh mì… Các thức ăn này sẽ cung cấp thêm vitamin, chất sơ nhằm tăng đề kháng, hệ miễn dịch và hỗ trợ lên màu sắc cá koi sắc nét hơn.
– Nguồn thức ăn mua sẵn: có rất nhiều loại khác nhau nhưng phổ biến và phân chia thành 3 loại chính.
+ Dinh dưỡng hàng ngày: có kích thước viên từ 3-5mm giúp bổ sung các dưỡng chất cần thiết. Độ đạm tối thiểu 25%.
+ Thức ăn hỗ trợ lên màu cá koi: hỗ trợ lên màu nhanh cho cá, cân bằng dinh dưỡng. Thành phần chính có tảo Spirulina và Krill meal để cải thiện màu sắc của cá koi tốt hơn. Tối thiểu độ đạm khoảng 36%.
+ Thức ăn giúp màu sắc sáng bóng: có độ đạm cao trên 40%. Vừa cung cấp dưỡng chất cần thiết vừ giúp màu sắc cá được tự nhiên. Đây là thức ăn không gây ô nhiễm, bổ sung các vitamin và một số chất để giúp cá koi tăng màu sắc sáng bóng.
Để cho cá ăn đạt hiệu quả, người nuôi cần chú ý những điểm sau:
– Về cơ bản, khẩu phần ăn của cá koi sẽ vào khoảng 5% tổng trọng lượng cơ thể. Tần suất cho cá ăn là 1 – 2 lần/ngày. Mỗi lần cho ăn không nên cho ăn quá nhiều một lúc. Bởi nếu dư thừa thức ăn sẽ lãng phí và thức ăn dư thừa đó sẽ trở thành cặn, gây đục và ô nhiễm nguồn nước. Nếu bạn quá bận mà không thể cho ăn hàng ngày thì cũng đừng quá lo lắng. Không cho ăn thường xuyên sẽ chỉ làm giảm trọng lượng cá chứ chưa thể dẫn đến tình trạng chết ngay.
– Thời gian cho cá ăn thích hợp buổi sáng là từ 8 – 10 giờ và chiều là sau 16 giờ (không cho cá ăn đêm sau 20h). Cho ăn vào lúc trời mát và không cho ăn lúc trời đang oi nóng hoặc nhiệt độ lên cao. Lượng thức ăn buổi chiều nên ít hơn vào buổi sáng.
– Cá Koi cần được ăn các loại thức ăn có chứa hàm lượng propolis cao nhằm nâng cao khả năng miễn dịch. Ngoài ra, nên bổ sung thêm các loại vitamin và spirulina để tăng thêm sắc tố, khiến màu sắc trên mình cá Koi trở nên sắc nét hơn.
– Nên hạn chế cho ăn các loại thức ăn tươi sống như: sâu, ấu trùng… hoặc các loại thức ăn không rõ nguồn gốc.
Bệnh tật khi nuôi cá koi: nguyên nhân và cách phòng tránh
Cá koi là loại cá ưa sạch sẽ. Vì thế chỉ cần môi trường nuôi không đảm bảo có thể dẫn đến cá bị bệnh. Một số bệnh thường gặp khi nuôi cá koi là:trùng mỏ neo, bệnh rận cá, đốm trắng, đốm đỏ (đầu, thân, vây, đuôi), thối đuôi, bệnh sán da, sán mang, bệnh loét và bệnh xù vảy.
Khi cá koi bị bệnh cần được tách riêng ra khỏi đàn ở hồ nuôi chính và có chế độ chăm sóc đặc biệt. Nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ lây lan nhanh và ảnh hưởng đến cả đàn cá. Tùy từng loại bệnh mà có phác đồ điều trị khác nhau. Khi cá koi khỏi bệnh hoàn toàn thì mới thả quay trở lại hồ chính. Dưới đây sẽ là nguyên nhân và các phòng bệnh trong quá trình nuôi cá koi.
Nguyên nhân gây bệnh ở cá koi
– Chất lượng nước không đảm bảo. Như đã chia sẻ ở trên về các tiêu chí đối với nước trong hồ nuôi cá koi. Chỉ cần một trong số các tiêu chí vượt ngưỡng cho phép thì sẽ khiến nguồn nước nhiễm bẩn, rêu mốc và vi khuẩn có hại phát triển. Cụ thể từ lý do:
+ Hồ nuôi cá koi không được vệ sinh định kỳ, cải tạo không khoa học
+ Hệ thống lọc lắp đặt không đạt chuẩn, bố trí không hợp lý hoặc hoạt động không hiệu quả.
+ Môi trường nước thay đổi đột ngột: cơn mưa lớn, thay nước không đúng quy trình…
– Mật độ nuôi cá quá cao so với không gian hồ. Khi đó, đàn cá sẽ có không gian sinh sống chật hẹp, thiếu hụt oxy, chất thải nhiều…
– Thức ăn cá koi không rõ nguồn gốc, cho ăn quá nhiều một lần dẫn đến dư thừa và ảnh hưởng đến nguồn nước
– Cá mới mua mang mầm bệnh không được cách ly đủ thời gian mà đã thả vào hồ cùng đàn cá cũ.
Cách phòng, hạn chế bệnh ở cá koi
– Lựa chọn ban đầu từ những đơn vị thiết kế thi công hồ cá koi chuyên nghiệp, uy tín và có trách nhiệm
– Thường xuyên vệ sinh hồ nuôi và kiểm tra hệ thống lọc nước đã hoạt động hiệu quả chưa
– Chủ động trang bị một số bộ test, máy đo để kiểm tra chất lượng nước. Khi phát hiện những thay đổi đột ngột có ảnh hưởng cần khắc phục ngay
– Lựa chọn mua cá koi và thức ăn cá koi ở những cơ sở uy tín, có cam kết và bảo hành
– Thực hiện quy trình cách ly cá mới mua đúng và đủ
– Đảm bảo thay nước, khử trùng nước đúng chuẩn để cá không bị sốc
– Cách ly ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường ở đàn cá, trị bệnh triệt để cho từng con cá.
– Thường xuyên cập nhật kiến thức hữu ích từ những chuyên gia, những người nuôi cá koi lâu năm, giàu kinh nghiệm
Nuôi cá koi ngoài trời khi trời mưa thì xử lý như thế nào?
Hồ cá koi ngoài trời sẽ chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi yếu tố thời tiết, đặc biệt khi trời mưa. Những cơn mưa lớn hoặc mưa dài ngày sẽ tạo ra biến động đến chất lượng nước của hồ nuôi cá koi. Môi trường sống thay đổi sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cá koi.
Nếu có cơn mưa lớn hoặc mưa nhiều ngày thì người nuôi cần chú ý:
– Kiểm tra độ pH của nước cứ 2 tiếng 1 lần. Những cơn mưa có thể mang theo một lượng axit sunfuric (H2SO4) và axit nitric(HNO3). Hai axit này được hình thành từ quá trình hòa tan hơi nước với không khí có chứa lưu huỳnh đioxit (SO2) và nitơ đioxit (NO2). Khi rơi xuống hồ cá ngoài trời sẽ làm độ pH của nước giảm. Khi đó cần bổ sung các chất mang tính kiềm (bazo) để trung hòa axit và cân bằng lại nồng độ pH của nước.
– Ngừng cho cá ăn để giúp cá giảm stress và tiêu hóa tốt hơn.
– Kiểm tra hệ thống lọc, chống tràn hồ cá. Nếu hệ thống này không hoạt động hoặc hoạt động kém có thể khiến mực nước dâng lên quá cao. Nước có thể tràn lên thành hồ hoặc cá nhảy lên bờ. Điều này rất nguy hiểm.
– Tuần hoàn lọc liên tục và sục thêm khí oxy vào hồ cá. Việc này góp phần làm tăng nồng độ oxy trong nước, giảm độc tố và giúp cá hô hấp tốt hơn.
– Bổ sung men vi sinh có lợi để phân giải tốt hơn các chất hữu cơ, chất độc và loại bỏ vi khuẩn có hại được đưa đến bởi cơn mưa.
Kinh nghiệm chăm sóc cá koi vào mùa hè, thời tiết nóng bức
Với khí hậu nóng ẩm như ở nước ta, mùa hè thường có nhiệt độ cao và thời tiết oi bức. Khi đó, lượng oxy trong nước sẽ bị giảm đi, nhiệt độ nước tăng lên. Kinh nghiệm được chuyên gia chia sẻ khi nuôi cá koi vào thời gian này là:
– Kiểm tra và duy trì máy sục oxy để đảm bảo nồng độ oxy tối thiểu trong nước là 0.25mg/l.
– Cho cá ăn: bổ sung các loại thức ăn giàu protein và cho ăn đủ lượng hàng ngày
– Bổ sung nước cho hồ cá koi nếu lượng nước xuống thấp, nước bổ sung cần được khử clo trước khi đưa vào hồ.
– Kiểm tra nồng độ pH từ 2-3 ngày một lần
– Mùa hè là thời gian lý tưởng cho các loại kí sinh trùng, mầm bệnh cá koi phát triển. Vi khuẩn gây bệnh và kí sinh trùng thường khó hoặc không quan sát được bằng mắt thường. Vì vậy, nếu thấy cá có biểu hiện lạ như: cọ xát với nhau, tróc vẩy, run rẩy, đầu lắc thì nên đặc biệt chú ý.
– Chiếu đèn UV để khử độc, diệt khuẩn, nấm trong hồ nuôi cá koi. Tùy thuộc vào thể tích bể mà lựa chọn công suất đèn và thời gian chiếu đèn phù hợp.
Tổng kết về kỹ thuật nuôi cá koi
Khi đã quyết định nuôi cá koi – mội loại cá đắt giá, thì người nuôi không thể không tìm hiểu về loài cá này cũng như kỹ thuật nuôi chúng. Để có một hồ cá koi đẹp, đàn cá khỏe mạnh và phát triển ổn định thì điều đầu tiên là thiết kế thi công hồ cá đúng kĩ thuật. Sau đó là cả quá trình chăm sóc, kỹ thuật nuôi cá koi mà chúng tôi đã giới thiệu ở trên.
Mọi thắc mắc cần được tư vấn về bất cứ vấn đề nào liên quan đến hồ cá koi, cách nuôi cá koi, quý khách hàng có thể liên hệ ngay với Non bộ Thanh Sơn. Hotline: 0938 938 585 của chúng tôi luôn sẵn sàng để hỗ trợ và tư vấn hoàn toàn miễn phí.